Lịch sử, truyền thống văn hoá
1. Lịch sử
Quá trình hình thành xã Tân Hợp và những thay đổi địa giới, tên gọi qua các thời kỳ
Từ xa xưa Tân Hợp là vùng đất thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đến thời Lê địa bàn Tân Hợp thuộc châu Mộc, phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hoá (Hưng Hoá thừa tuyên). Năm 1775 châu Mộc được chia ra thành 3 châu mường: phía Bắc sông Đà là châu Đà Bắc; phía Nam sông Mã là châu Mã Nam; ở giữa đặt là châu Mộc Châu gồm 5 động: Xuân Nha, Hướng Đàn (Hướng Càn), Túc mục (Tô Múa), Mộc Thượng và Mộc Hạ. Vùng đất Tân Hợp thuộc động Mộc Thượng. Thời Pháp thuộc, Mộc Châu được chia thành 6 xã là: Quy Hướng, Hướng Càn, Mộc Hạ, Mộc Thượng, Xuân Nha và Tú Nang. Địa bàn Tân Hợp thuộc xã Mộc Thượng. Tháng 5/1948 xã Yên Lập được thành lập địa bàn Tân Hợp thuộc xã Yên Lập. Tháng 4/1954 xã Yên Lập được chia tách thành 3 đơn vị hành chính là: xã Yên Lập, xã Hợp Tác và xã Tân Lập. Năm 1960 xã Tân Hợp được chính thức thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 xã: Hợp Tác và Yên Lập. Tại tời điểm thành lập, xã Tân Hợp có diện tích 9.000 ha, với 9 bản: Nà Sánh, Nà Mường, Tầm Phế, Sam Kha, Cửa Vua, Cửa Bưng, Nà Mí, Cà Đạc, Sao Tua. Toàn bộ xã có hơn 200 hộ trên 600 nhân khẩu. Tháng 12/1965 bản Cửa Bưng sáp nhập với bản Cà Đạc. Năm 1987 bản Suối Xáy được thành lập trên cơ sở tách một phần từ bản Cửa Vua. Tại thời điểm thành lập, bản có 8 hộ, 60 nhân khẩu cũng thời điểm đó bản Cửa Vua đổi tên thành bản Suối Chanh. Năm 1990 bản Pơ Nang được thành lập trên cơ sở tách ra từ bản Sam Kha, với 23 hộ 150 nhân khẩu. Đối với các bản người Mông, từ sau năm 1975, dân tộc Mông di cư từ các huyện Phù Yên, Bắc Yên đến xã Tân Hợp ngày càng nhiều, để ổn định tình hình và đảm bảo về trật tự an toàn xã hội cũng như định cư phát triển sản xuất, huyện Mộc Châu chỉ đạo thành lập thêm một số bản:
Năm 2002, thành lập bản Suối Khoang với 16 hộ, 102 nhân khẩu.
Năm 2005, thành lập bản Bó Liều với 18 hộ, 110 nhân khẩu.
Năm 2007, thành lập bản Lũng Mú với 20 hộ, 120 nhân khẩu.
Như vậy, đến năm 2010, xã Tân Hợp có 13 bản: Sao Tua, Tầm Phế, Nà Sánh, Nà Mí, Suối Chanh, Suối Xáy, Nà Nường, Suối Khoang, Sam Kha, Pơ Nang, Bó Liều, Lũ Mũ, Cà Đạc.
2. Truyền thống văn hoá
Năm 2010, xã Tân Hợp có hơn 1.000 hộ với trên 5.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 90% tổng dân số, dân tộc Mông (chiếm 5%), còn lại là dân tộc Kinh, Thái. Các dân tộc gắn bó mật thiết và cùng nhau chung sống hòa thuận.
Dân tộc Mường ở Tân Hợp có nguồn gốc xa xưa ở tỉnh Hòa Bình, di chuyển dọc theo sông Đà lên khai hoang và định cư sinh sống gồm nhiều dòng họ, trong đó có họ Đinh, họ Quách, họ Mùi, họ Bùi,... Văn hóa Mường trở thành nét đặc trưng trong phong tục tập quán của người dân nơi đây.
Dân tộc Mường làm ruộng nước từ lâu đời, lúa là cây lương thực chủ lực bên cạnh ngô, khoai, sắn. Trước đây, lúa nếp là cây trồng chủ yếu, là lương thực hàng ngày nên cơm nếp đồ là món ẩm thực không thể thiếu của người dân nơi đây. Người Mường đồ cơm nếp bằng “cuốp” (hông chõ). Chõ được làm bằng gỗ từ thân cây mít, cây gạo,... khoét rỗng, cao 40 - 50 cm, đường kính từ 25 - 30 cm, một lần đồ được khoảng 2 - 5 kg gạo. Gạo nếp trước khi đồ được ngâm trong nước vài giờ, vớt ra đổ vào chõ, sau đó để trên một cái nồi có nước. Phần tiếp giáp giữa chõ và nồi được gắn kết bằng bùn để hơi nước không thoát ra ngoài và đun cho tới khi chín. Cơm đồ chín được đổ ra thúng, nia, quạt cho nguội, làm như vậy cơm vừa dẻo, vừa khô, ăn rất ngon.
Vào những dịp lễ, tết, dân tộc Mường đồ cơm nếp nhiều màu bằng cách lấy các loại cây thân cỏ, đem nấu lấy nước để ngâm gạo trước khi đồ, gạo mỗi màu phải được ngâm riêng để tạo ra màu sắc. Khi đồ cho lần lượt các màu đỏ, đến xanh, vàng, tím,.. và gạo trắng cho lên trên cùng. Cơm chín đổ ra nia, trộn lẫn các màu lại với nhau.
Ngày nay, để đảm bảo an ninh lương thực, dân tộc Mường cấy lúa nếp ít hơn lúa tẻ, chủ yếu ăn cơm tẻ nhưng cơm nếp đồ vẫn là món ăn ưa thích, là nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực.
Bên cạnh cơm nếp đồ, những món ăn cổ truyền trong ngày lễ, tết và ngày thường của người Mường đa dạng với các món: hấp, xào, nướng, trộn. Thực phẩm được chế biến từ thịt, cá, và các loại rau. Hương vị ưa thích là chua, đắng, chát. Vị cay thường để làm món riêng không xào nấu lẫn với các thực phẩm khác; vị ngọt ăn ở dạng hoa quả tươi hoặc dùng đường, mật chấm các loại bánh có bột.
Một trong những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Mường là “cỗ lá”. Loại lá bày cỗ thương dùng là lá chuối. Trong cỗ lá, dân tộc Mường quan niệm, phần ngọn lá tượng trưng cho Mường người, phần gốc lá tượng trưng cho Mường ma. Vì vậy, khi dọn cỗ cho người sống, phần ngọn lá hướng vào trong, phần gốc lá hướng ra ngoài và bày ngược lại khi dọn cỗ cúng. Đây là một quy tắn khá nghiêm ngặt bởi người Mường quan niệm nếu vi phạm có thể sẽ gặp phải những điều dữ. Các món ăn được bày theo từng nhóm, thường là thức ăn khô, đặc biệt là các món chế biến từ “lợn thui”.